Lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng thương mại tăng khá mạnh…
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh cuối năm, đồng thời cũng đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng thương mại tăng khá mạnh.
Lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng đang trở nên nóng hơn kể từ nửa đầu tháng 8 đến nay, khi hàng loạt chương trình huy động vốn với lãi suất cao đã được nhiều ngân hàng thương mại triển khai để thu hút khách hàng. So với mặt bằng lãi suất trước đây, đợt tăng lãi suất lần này được nhiều ngân hàng thương mại đẩy lên khá cao, thậm chí có ngân hàng đã huy động lãi suất lên tới hơn 10%/năm.
Lãi suất huy động vượt 10%/năm
Ngày 21/8, hàng loạt khách hàng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB) nhận được tin nhắn mời tham gia chương trình huy động với lãi suất cao trong 2 ngày 22 và 23/8.
Theo tin nhắn được các khách hàng nhận được, các kỳ hạn huy động từ 6 – 61 tháng, với mức lãi suất từ 8,2 – 9,1%/năm, cụ thể: kỳ hạn 6 tháng có lãi suất là 8,2%/năm, 12 tháng có lãi suất là 8,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất là 8,6%/năm và kỳ hạn 61 tháng có lãi suất là 9,1%/năm. Hơn 1 tuần trước đó, VIB cũng triển khai chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, với lãi suất 9,1%/năm.
Quan sát thị trường ngân hàng những ngày qua có thể thấy, việc đẩy lãi suất huy động lên cao như VIB không phải là “của hiếm”, bởi lẽ nhiều ngân hàng cũng vừa công bố tăng lãi suất huy động thông qua các chương trình huy động vốn hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi.
Cụ thể, ngày 20/8, ABBank phát đi thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm, 12 tháng 8,5%/năm, mức tăng lần lượt là 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ.
Trước đó vào ngày 19/8, Viet Capital Bank triển khai chương trình huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất lên tới 10,2%/năm đối với kỳ hạn 60 tháng. Với mức lãi suất này, Viet Capital Bank đã xác lập kỷ lục lãi suất huy động cao nhất thị trường trong vài năm gần đây.
Ngoài kỳ hạn 60 tháng, các kỳ hạn khác của ngân hàng cũng neo ở mức rất cao, ví như: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng có mức lãi suất lần lượt là 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm. Các khoản tiền gửi thông thường tại nhà băng này cũng đang ở mức rất cao là 8,6%/năm.
Cùng trong “làn sóng” tăng lãi suất huy động, từ giữa tháng 8/2019, SHB đã công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, với kỳ hạn 6 tháng khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất là 7,8%/năm. Còn ở các kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng, 13 tháng, mức lãi suất tối đa khách hàng được nhận lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm.
Hay VPBank cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất cho khách hàng, với mức lãi suất cộng thêm từ 0,1 – 0,2%/năm so với biểu lãi suất quy định. Một ngân hàng khác là OCB cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó kỳ hạn 36 tháng được điều chỉnh tăng lên 8%/năm cao hơn 0,3%/năm so với trước đó… Mới đây, hai “ông lớn” trên thị trường là BIDV và VietinBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất một số kỳ hạn từ 0,1 – 0,2%/năm so với trước.
Vì sao lãi suất tăng mạnh?
Lý giải việc tăng lãi suất được điều chỉnh tăng mạnh, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, tăng lãi suất được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng gia tăng nguồn lực vốn trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm.
Cụ thể, sau khi công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê chia sẻ: “Điều chỉnh lãi suất là nhằm thu hút khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để gia tăng nguồn lực nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm”.
Cùng chung quan điểm, quyền Tổng giám đốc ABBank Phạm Duy Hiếu cũng cho biết, bên cạnh việc tạo ra những cơ hội gia tăng lợi ích cho khách hàng thì lần tăng lãi suất này ABBank cũng mong muốn sẽ bổ sung thêm vào nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới, cũng như có thêm nguồn vốn để đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động tăng mạnh trong những ngày gần đây, cụ thể: đầu tiên là trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn tại Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng cao (bình quân khoảng 50% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng), nên việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động (trung, dài hạn) sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn để tiếp tục tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Tiếp theo là để đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng là nhằm đáp ứng tốt hơn các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Năm nay tỷ lệ này ở mức 40% nhưng trong năm tới có thể sẽ giảm xuống 35% và đến năm 2021 sẽ còn 30%.
Ngoài 3 nguyên nhân trên, có thể có thêm 1 tác nhân nữa khiến lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng mạnh đó là việc một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 12-13%/năm. Vậy nên, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng cũng có thể hiểu là giúp các ngân hàng gia tăng tính cạnh tranh trong huy động vốn trên thị trường.
VnEconomy