Dù giá vàng giao ngay tại châu Á phiên sáng nay có biên độ tăng nhẹ nhưng giá vàng trong nước lại giảm mạnh từ 70.000 đồng/lượng – 220.000 đồng/lượng, sau một tuần tăng gần 2 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 12/8, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của DOJI giao dịch ở mức 41,45 triệu đồng/lượng (mua vào) – 41,75 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn. Các mức giá này giảm mỗi chiều 70.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty SJC giao dịch ở mức 41,45 triệu đồng/lượng – 41,85 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 200.000 đồng/lượng và 220.000 đồng/lượng.
Tuần qua, thị trường tài chính tiền tệ chứng kiến sự bùng nổ của giá vàng trên trị trường trong nước và thế giới. Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước tăng thêm khoảng 1,8 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC tại được DOJI niêm yết ở mức 41,52 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,82 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,07 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TPHCM niêm yết ở mức 42,05 triệu đồng/lượng (bán ra).
Dù giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, nhưng không còn cảnh xếp hàng mua vàng như những năm trước đây. Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp kinh doanh, số lượng người bán ra chiếm áp đảo so với người mua vào khi giá vàng ở mức 42 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com hiện có biên độ tăng nhẹ 1,8 USD, giao dịch ở mức 1.498 USD/ounce.
Chốt phiên đêm qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 4,5 USD xuống 1.496,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 9 giảm hơn 1 USD xuống 1.501,9 USD/ounce.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá vàng vẫn có thể tăng mạnh do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn và sự nới lỏng các ngân hàng trung ương toàn cầu. Giá vàng đã tăng mạnh và đang chứng kiến mức tăng hàng tuần tốt nhất trong hơn 3 năm.
Tuần này, Mỹ sẽ công bố những số liệu kinh tế quan trọng, như CPI, doanh số bán lẻ, PMI… Trong đó, CPI, doanh số bán lẻ là 2 chỉ số quan trọng làm cơ sở cho thị trường dự đoán về khả năng FED tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, các số liệu kinh tế của Trung Quốc, như sản xuất công nghiệp, bán lẻ… cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Thông qua các số liệu kinh tế này, các nhà đầu tư có thể phán đoán được phần nào về việc ứng xử của Trung Quốc với chiến tranh thương mại.
Xuân Thanh (theo Dân Trí)