Gần 10 năm, các ngân hàng trải qua giai đoạn nhiều thăng trầm từ khó khăn thanh khoản và nợ xấu, tái cơ cấu đến hồi phục tăng trưởng lợi nhuận cao. Cùng SAGONAP nhìn lại một thập kỷ vừa qua của ngành Ngân hàng đầy biến động nhé.
Lợi nhuận: Thận trọng nhưng không dừng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa thông qua kế hoạch 2020 với lợi nhuận 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%. Năm 2019, SHB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.026 tỷ đồng, tăng trưởng gần 45% so với năm 2018, đồng thời hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng.
Trong năm 2020, SHB cũng sẽ tăng vốn điều lệ lên 19.314 tỷ đồng, đồng thời thực hiện chuyển lên niêm yết sàn HOSE.
Đại hội đồng cổ đông Techcombank thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với mục tiêu lợi nhuận dự kiến trước thuế 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với năm 2019. Nợ xấu nhóm 3 – 5 dưới 3%. Techcombank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 35.049 tỷ đồng.
Năm 2019, Techcombank tiếp tục có doanh thu 21 ngàn tỷ và lợi nhuận 12,8 ngàn tỷ, tăng trưởng lần lượt 24,7% và 31% so với năm 2019. Đây là nhà băng nằm trong top 3 ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận của Việt Nam.
Ở quy mô nhỏ hơn, ABBank đặt mục tiêu 2020 có lợi nhuận trước thuế là 1.358 tỷ đồng. Trong 2019, ABBank đã đạt lợi nhuận trước thuế đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 36,4%. Năm 2020, ABBank tiếp tục thực hiện lộ trình tăng vốn và đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Công bố tài liệu phục vụ ĐHCĐ 2020, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt cho biết, năm 2019 đạt lợi nhuận trước thuế 2.039 tỷ đồng, tăng tới 68% so với năm 2018. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất Ngân hàng đạt được kể từ khi thành lập đến nay.
Năm 2020, ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với biện động và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu mùa ĐHCĐ các ngân hàng, VPBank thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, song lợi nhuận của FE Credit sẽ điều chỉnh giảm nhẹ.
Năm 2019, VPBank lần đầu tiên lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, thuộc Top 2 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất; đánh dấu 10 năm liên tục tăng trưởng lợi nhuận để vươn lên top 5 các ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Trong khi đó, Vietcombank, ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng đã gửi đến các cổ đông kế hoạch 2020 với mục tiêu tăng vốn lên mức gần 2 tỷ đôla. Nếu tăng vốn điều lệ thành công, năm nay, Vietcombank dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 10% so với năm 2019. Và mục tiêu lợi nhuận 1 tỷ USD sẽ chính thức vượt mốc.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã thận trọng thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhất là chỉ tiêu lợi nhuận. Đa số các ngân hàng không cắt giảm hoặc điều chỉnh giảm nhẹ. Mức độ tăng trưởng chỉ tiêu quan trọng này vẫn không dừng lại và cuộc đua lợi nhuận sẽ vẫn tiếp diễn nhưng âm thầm hơn như 1 cách chờ qua giai đoạn khó khăn để bùng nổ cho giai đoạn tiếp theo 2021 – 2025.
Cơ hội để nhìn lại
Từ 2016, các ngân hàng bắt đầu 1 giai đoạn bùng nổ lợi nhuận, mức tăng trưởng cao có khi lên gần 40% đã vượt xa các chỉ tiêu cơ bản khác. Đã không ít người trong ngành nhận định, xu hướng này sẽ sớm chững lại bởi đơn giản không thể duy tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với tín dụng và tổng tài sản, rất bất lợi về dài hạn.
Điều đó, buộc mỗi ngân hàng phải giải pháp để cân đối lại. Sự điều chỉnh và thận trọng chính là điểm chung của năm nay. Sẽ không còn những đột phá lợi nhuận 30 – 40% nhưng đổi lại sẽ là 1 năm gia cố nền móng lâu dài khi các ngân hàng chủ động tăng vốn điều lệ nhưng chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm hoặc rất thấp. Đây là điều khác hẳn so với những năm trước.
Covid-19 được cho là nguyên nhân nhưng có lẽ đúng hơn nó là 1 yếu tố được lấy làm lý do, 1 sự kiện đánh dấu sự chuyển động vào giai đoạn mới của ngân hàng sau nhiều năm căng mình đua lợi nhuận.
Các ngân hàng sẽ cân đối lại và đầu tư cho nội tại. Trong chiến lược của mình, nhiều ngân hàng thương mại đặt trọng tâm đầu tư nhiều hơn cho nền tảng. Trong đó, đa số đều dồn sức đầu tư lớn cho hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh ngân hàng số bên cạnh nỗ lực đổi mới quản trị và nâng cao nhân lực. Hướng này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, chưa hẳn mang lại lợi nhuận ngay nhưng không thể không làm tạo nền, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới 2021-2025.
Trao đổi với cổ đông, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng giám đốc SHB – cho biết, năm 2020, SHB sẽ chuyển đổi mạnh mẽ từ chiến lược, mô hình kinh doanh tổ chức bộ máy, quản trị rủi ro, hiện đại hóa ngân hàng”. Hội đồng quản trị đã làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới, thống nhất thành lập ba ban dự án chiến với tầm nhìn dài hạn hướng tới ngân hàng số, tái cấu trúc khâu quản trị và quản lý điều hành. Mục tiêu chiến lược của SHB đến năm 2025 là trở thành 1 trong 3 ngân hàng tư nhân bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam, trở thành ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số.
Trong khi đó, Hội đồng quản trị Techcombank quyết định chọn phương án tăng trưởng an toàn hơn trong năm 2020, tập trung vào thanh khoản, hỗ trợ khách hàng do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới.
Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank – cho biết, ngân hàng luôn đi theo xu hướng rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Techcombank tập trung tìm khách hàng tốt, có thu nhập, khả năng trả nợ và các khoản vay có tài sản đảm bảo. Ngân hàng cũng không chỉ tập trung cho bất động sản mà còn có các phân khúc, lĩnh vực khác, nhưng cần có thời gian để xây dựng nền tảng, phát triển. Nếu ngân hàng không đẩy mạnh số hoá thì sẽ khó kiểm soát rủi ro ở những lĩnh vực mới này. Techcombnak sẽ không ngừng chuyển đổi để giữ vừng vị thế ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Năm 2020, Techcombank tập trung tạo nền tảng để phát triển dài hạn.
LienVietPostBank vẫn xác định thế mạnh để củng cố mạng lưới để khai thác thị trường nông thôn. Ngân hàng này sẽ ứng dụng công nghệ, đầu tư phát triển ngân hàng số để triển khai đồng loạt, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Nói về việc điều chỉnh kế hoạch 2020, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng, “con số lợi nhuận giảm 1,1% so với năm ngoái có thể sẽ khiến cổ đông buồn, song đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn trong khủng hoảng là điều quan trọng nhất. Tuy đặt kế hoạch thận trọng nhưng trên thực tế, dự kiến đến cuối tháng 6, VPBank đạt lợi nhuận 6.000 tỷ đồng.
Ngược lại, là 1 trong số ít các ngân hàng có điều chỉnh mạnh kế hoạch 2020. MB xác định lợi nhuận giảm 10%, tức đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Lãnh đạo MB cho biết sẽ ưu tiên chuyển đổi số hóa trong hoạt động ngân hàng; tín dụng tăng trưởng có chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.
Theo Vietnamnet